Tầm quan trọng của quản trị tài chính doanh nghiệp

Ngoài vấn đề về chất lượng của sản phẩm hay dịch vụ, một công ty không thể hoạt động khả thi trong thời gian dài nếu như nó không thành công về mặt tài chính. Việc quản trị tài chính hiệu quả giúp doanh nghiệp trả lời được các câu hỏi: Doanh nghiệp đang hoạt động như thế nào? Hiện đang lỗ hay lãi? Có trong tay bao nhiêu tiền mặt? Có đủ tiền để đáp ứng những nghĩa vụ tài chính ngắn hạn hay không? Sử dụng tài sản hiệu quả như thế nào? So sánh tốc độ phát triển và lợi nhuận thuần với các đối thủ trong cùng ngành kinh doanh ? Nguồn vốn đến từ đâu?….

1. Vai trò của quản lý tài chính đối với doanh nghiệp?

Hầu hết các doanh nghiệp cho dù đã kinh doanh trong nhiều năm hay mới bắt đầu, đều có 4 mục tiêu tài chính: khả năng sinh lời, thanh khoản, hiệu quả và ổn định. Do vậy, quản trị tài chính doanh nghiệp có vai trò to lớn trong doanh nghiệp.

Trong hoạt động kinh doanh hiện nay, nó giữ những vai trò chủ yếu sau:

Kiểm soát dòng tài chính của mọi hoạt động hay sản xuất kinh doanh của tổ chức

Thực hiện việc kiểm tra tình hình tài chính thường xuyên, liên tục thông qua phân tích các chỉ tiêu tài chính. Cụ thể các chỉ tiêu đó là: chỉ tiêu về cấu trúc chi phí, chỉ tiêu về khả năng thanh toán, chỉ tiêu đặc trưng về hoạt động, sử dụng các nguồn lực tài chính; chỉ tiêu đặc trưng về khả năng sinh lời.

Đòn bẩy kích thích và điều tiết hoạt động kinh doanh

Phân phối tài chính doanh nghiệp phù hợp với quy luật sẽ làm cho tài chính doanh nghiệp trở thành đòn bẩy kinh tế tác động tới tăng năng suất, nâng cao lợi nhuận so với vốn đầu tư.

Quyết định các khoản đầu tư và chi tiêu

Hoạch định không chưa đủ, lãnh đạo hay nhà quản trị tài chính phải quyết định phương pháp thực hiện hiệu quả, đồng thời xác định các khoản đầu tư và chi tiêu cho hoạt động đầu tư vào tài sản, công nghệ, con người… như thế nào cho hợp lý. Để từ đó lợi nhuận được tăng trưởng phù hợp so với mức đầu tư tài sản cố định, máy móc hoặc từ việc nâng cấp công nghệ sản xuất hiện tại… để đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Giám sát, kiểm tra chặt chẽ các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Thông qua các thu chi hàng ngày, tình hình tài chính và thực hiện các chỉ tiêu tài chính. Lãnh đạo doanh nghiệp có thể đánh giá khái quát và kiểm soát được các mặt hoạt động của doanh nghiệp, phát hiện được kịp thời những tồn tại vướng mắc trong kinh doanh. Từ đó đưa ra các quyết định điều chỉnh các hoạt động phù hợp với diễn biến thực tế.

2. Quy trình quản trị tài chính doanh nghiệp

Bước 1: Theo dõi các hoạt động tài chính của công ty liên tục trong thời gian thực và nắm rõ diễn biến lịch sử thay đổi

Việc theo dõi các hoạt động tài chính liên tục và nắm rõ diễn biến lịch sử thay đổi có thể thông qua các công cụ và nền tảng hỗ trợ phân tích báo cáo tài chính. Các báo cáo tài chính theo thời gian thực này ghi nhận những giao dịch tài chính của công ty. Nó cho biết công ty lãi hay lỗ bao nhiêu tiền (báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh), cấu trúc của tài sản và nợ (bảng cân đối kế toán), dòng tiền đến và đi từ đâu (báo cáo lưu chuyển tiền tệ). Các báo cáo này cũng giúp doanh nghiệp nhận thức được sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh và so sánh với trung bình ngành. 

Bước 2: Ra quyết định kinh doanh và đầu tư

Ra quyết định kinh doanh và đầu tư dựa vào nguồn lực, tình hình tài chính khi có cơ hội. Chủ doanh nghiệp và nhà quản trị tài chính cần  tính toán, cân nhắc các quyết định dựa vào các chỉ số tài chính đúng đắn, kịp thời cùng với kinh nghiệm và độ nhạy bén trong việc nắm bắt cơ hội.

Bước 3: Dự báo cho các năm tiếp theo

Dự báo được sử dụng để chuẩn bị xây dựng báo cáo tài chính dự toán, điều này khiến cho việc điều chỉnh ngân sách tốt hơn, đảm bảo cho kế hoạch tài chính của công ty. 

Bước 4: Tiếp tục phân tích kết quả tài chính của công ty

Các tỷ số tài chính mô tả mối quan hệ giữa các khoản mục trên báo cáo tài chính của công ty. Nó được dùng để đánh giá khả năng một công ty đáp ứng các mục tiêu tài chính và cạnh tranh với các đối thủ ngang hàng. Những chỉ số này cũng được sử dụng để tiếp cận xu hướng và dự toán cho các giai đoạn tiếp theo.

3. Các nguyên tắc quản lý tài chính doanh nghiệp

Để quản lý tài chính doanh nghiệp hiệu quả, chủ doanh nghiệp cần nắm vững những nguyên tắc quản trị tài chính cơ bản sau:

Trade-off: Rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng cao

Mỗi quyết định đầu tư hay tài trợ của doanh nghiệp bên cạnh kỳ vọng vào lợi nhuận nhận lại đều ẩn chứa nhiều rủi ro. Do vậy, việc chấp nhận mức độ rủi ro và kiểm soát rủi ro như thế nào để đảm bảo lợi nhuận thu lại từ việc đầu tư là hiệu quả nhất là một trong những nguyên tắc mà bất cứ nhà quản trị tài chính nào cũng phải xem xét cẩn thận.

Nguyên tắc giá trị thời gian của tiền tệ

Khi doanh nghiệp quyết định phân bổ một khoản tiền lớn, bên cạnh chi phí cơ hội dĩ nhiên phải gánh, doanh nghiệp còn bị tác động bởi giá trị giảm (hoặc tăng) dần theo thời gian do các yếu tố về lạm phát…

Nguyên tắc tác động của thuế

Thuế là một phương thức quản lý các hoạt động kinh doanh của Nhà nước. Thông qua các chính sách về thuế, Nhà nước sẽ khuyến khích, định hướng phát triển những ngành nghề mà Nhà nước cho rằng có lợi cho xã hội và kìm hãm sự phát triển của một số ngành.

Chính sách thuế có thể là đòn bẩy cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn nhưng có khi cũng ngược lại. Vì vậy, khi kinh doanh, nhà đầu tư nên cân nhắc lựa chọn ngành nghề cho phù hợp với các chính sách của nhà nước.

Nguyên tắc tận dụng đòn bẩy tài chính trong quản trị doanh nghiệp

Sẽ có nhiều rào cản nếu chỉ sử dụng lượng vốn có giới hạn của chủ sở hữu để đầu tư phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để tối ưu hóa lợi nhuận, vốn vay hay đòn bẩy tài chính sẽ là một yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy hiệu quả kinh doanh song đồng thời nếu sử dụng không hiệu quả nó cũng là gánh nặng tương ứng cho bản thân doanh nghiệp.

Luôn có phương án dự phòng

Sẽ luôn cần có phương án đối với những trường hợp khẩn cấp không lường trước được, hãy luônnắm rõ dòng tiền, duy trì các quỹ tiết kiệm dự phòng để có thể lưu trữ các dịch vụ bảo hiểm sẽ giúp bạn vượt qua những tai nạn bất ngờ. Việc duy trì các khoản dự phòng cũng giúp bạn phòng ngừa những rủi ro và quản lý được những tác động mà rủi ro đó mang lại. Những rủi ro tài chính là những tình huống bất ngờ luôn có thể phá hỏng các mục tiêu dài hạn của bạn.  Thị trường ngày nay đang đối mặt với tình trạng đáng báo động khi rất nhiều công ty đã đang và có nguy cơ phá sản vì quản trị tài chính lỏng lẻo. Dù doanh nghiệp nhỏ hay lớn cũng đều có những vấn đề chung. Từ việc dữ liệu không chính xác, thiếu nhân sự, công cụ hạn chế,… dẫn đến tình trạng công ty mọc lên như nấm rồi lại nhanh chóng suy kiệt vì các lỗ hổng tài chính.

4. Những khó khăn khi quản trị tài chính doanh nghiệp

  • Quản lý nguồn thu, nguồn chi căn cứ trên ước lượng, dự đoán, thiếu phân tích nên không thấy hết nguồn thu, không cắt giảm được chi phí.
  • Kiểm soát công nợ chưa thường xuyên, chặt chẽ, chưa có chính sách xử lý nợ rốt ráo dễ dẫn đến thiếu tiền.
  • Kiểm soát không chặt chẽ vật tư hàng hóa, xuất nhập tồn kho, trên đường đi, hàng gửi làm lãng phí vốn.
  • Không có kế hoạch tài chính, thậm chí không kiểm soát được dòng tiền, kế hoạch thu trả nợ.

Không có một giải pháp hay câu trả lời cụ thể nào chung cho tất cả các doanh nghiệp về vấn đề tài chính. Do vậy, để trở thành một nhà quản trị tài chính tốt, bạn cần nắm rõ những kiến thức cơ bản về tài chính doanh nghiệp và nên tìm cho mình một công cụ hoặc giải pháp quản lý tài chính thông minh và hiệu quả. 

Một quyết định tài chính không được cân nhắc, hoạch định kỹ lưỡng có thể gây nên những tổn thất lớn cho doanh nghiệp. Đòi hỏi các nhà quản trị tài chính doanh nghiệp phải luôn đánh giá được đúng đắn thực lực tài chính, những thuận lợi, khó khăn về tài chính để có những chiến lược, sách lược phù hợp, kịp thời và hiệu quả.

Từ khóa:

:

Scroll to Top